dịch vụ luật sư, tư vấn luật, công ty luật, luật sư, luật sư hà nội

Thành tích xuất siêu: Doanh nghiệp FDI ghi công đầu

Cập nhật: 27/1/2015 | 9:50:52 AM

Năm 2014, Việt Nam xuất siêu kỷ lục với 2,138 tỷ USD, trong đó công lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Công đầu của FDI

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014, với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 150,186 tỷ USD, còn tổng kim ngạch nhập khẩu trên 148 tỷ USD, Việt Nam đã xuất siêu 2,138 tỷ USD, gấp hơn 7 lần so với năm 2013.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, có tới 23 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chưa kể một số mặt hàng cũng có kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ con số đó. Trong đó, lớn nhất là nhóm hàng điện thoại và linh kiện các loại, đạt trên 26 tỷ USD; tiếp đó là dệt may (20,948 tỷ USD), giày dép (10,38 tỷ USD)…


Thành tích xuất siêu năm 2014 của Việt Nam có đóng góp lớn của các doanhh nghiệp FDI

Năm 2014, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục ghi nhận sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp điện tử. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài hơn 26 tỷ USD xuất khẩu điện thoại, năm 2014, các doanh nghiệp còn xuất khẩu 11,43 tỷ USD máy vi tính và linh kiện; 2,22 tỷ USD máy ảnh và linh kiện…

Đóng góp phần lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là khối doanh nghiệp FDI. Cụ thể, năm 2014, khối này đã xuất khẩu 93,988 tỷ USD, nhập khẩu 84,192 tỷ USD, tính chung xuất siêu xấp xỉ 9,8 tỷ USD. Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, doanh nghiệp FDI cũng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Cá biệt mặt hàng điện thoại, máy tính, khu vực FDI đóng góp tới 98 - 99%. Và trong nhóm hàng này, những cái tên được nhắc tới là Samsung, Microsoft, Canon, Intel…

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nên dù xuất khẩu lớn, giá trị gia tăng mà Việt Nam thu về không được như kỳ vọng.

Gia công triệt để, Việt Nam mất nhiều hơn được

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) bày tỏ tâm trạng "nửa mừng, nửa lo" trước thành tích xuất siêu của Việt Nam. Theo ông, đáng mừng ở chỗ xuất siêu chứng tỏ nền sản xuất trong nước tăng trưởng, các sản phẩm trong nước đã đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nước ngoài và phần nào phản ánh Việt Nam đã tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Tuy nhiên, có những mảng tối trong bức tranh kinh tế nếu xét sâu cấu trúc của xuất siêu. Theo đó, xuất siêu thuộc về khu vực FDI; khu vực kinh tế trong nước thậm chí còn nhập siêu. Hơn nữa, vài năm gần đây xuất siêu ở khu vực FDI tăng là do các doanh nghiệp FDI lớn đang ở vào độ chín của một số dự án đầu tư, đó là kết quả của việc nhập siêu máy móc thiết bị những năm trước trong giai đoạn đầu tư chưa ra sản phẩm. Trong những năm tới khi đã hết giai đoạn tăng công suất của những dự án lớn do các doanh nghiệp FDI đầu tư thì khả năng nhập siêu hoàn toàn có thể xảy ra", ông Lê Xuân Trường phân tích.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam ngày càng tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, vải, chất dẻo... và chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI khiến ông không khỏi lo lắng về một nền sản xuất gia công của Việt Nam, nhất là lại gia công những công việc không có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

"Với một nền sản xuất chủ yếu là gia công cho nước ngoài ở khâu có giá trị gia tăng thấp (cắt may, lắp ráp…) thì chúng ta có cả được và mất nhưng mất nhiều hơn được", ông chỉ rõ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, Việt Nam cũng thu được tý chút lợi ích từ nền sản xuất này, nhất là tạo được công ăn việc làm cho người lao động, kiếm được chút giá trị gia tăng, Nhà nước cũng thu được một ít thuế song tất cả đều quá nhỏ nhoi so với những gì các doanh nghiệp FDI làm ra.

"Chưa nói chuyện ưu đãi nhiều hay ít cho doanh nghiệp FDI bởi giai đoạn đầu phải có ưu đãi để các doanh nghiệp vào nhiều nhưng đến bây giờ, họ đã có lực lượng đủ mạnh thì phải có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cũng đã nhận thức được vấn đề này khi ra luật Đầu tư chung nhưng trên thực tế, việc thực hiện chính sách chưa có sự bình đẳng, vẫn ưu đãi bên kia chặt chẽ bên này. Ngoài ra, lẽ ra Nhà nước phải hỗ trợ để hình thành những doanh nghiệp đầu đàn trong từng ngành sản phẩm nhưng chúng ta cũng chưa làm được điều này", ông Nam thẳng thắn.

Bản quyền 2021 © Công ty luật Hà Nội VDT

Địa Chỉ: Tầng 3 toà nhà Savina số 1 Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện Thoại: +84989316320 - Fax: +84989316320 - Email: trantien@ngheluat.vn

dịch vụ luật sư, tư vấn luật, công ty luật, luật sư, luật sư hà nội